Chuyện phim bắt đầu bằng việc ba người con trai của ông Ba Hiền, cán bộ hưu trí luôn nêu cao tấm gương sống vì đạo lý, tuân thủ pháp luật về thăm cha.
Từ cuộc thăm viếng này, mọi chuyện đã thay đổi không ai lường tới. Người con trai cả về thị trấn để phụng dưỡng cha rồi trở thành quan chức ở thị trấn. Vốn đam mê làm ăn, thấy được tiềm năng của mảnh đất quê hương, anh quá tự tin lao vào dùng quyền, quan hệ để làm giàu nhanh chóng. Người con thứ hai làm ăn tự do, thực dụng, và anh út lại sa vào những chuyện làm ăn sai trái khác…
Không có gì khó bằng tự đấu tranh với bản thân, và với những người thân yêu ruột thịt của mình – ý tưởng đó xuyên suốt bộ phim, với những cuộc chiến giữa thời bình, giữa cha con, vợ chồng trong cùng một mái nhà, để bảo vệ cái đúng, sự chân chính…
Có một định kiến, rằng sự cách biệt thế hệ đồng nghĩa với sự cách biệt về quan niệm sống, mà trong đó, phần cổ hủ/sai lầm thường nghiêng về thế hệ đi trước.Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đang chứng minh ngược lại: Thế hệ đi trước mới là sợi dây neo giữ những gì thuộc về đạo lý truyền thống, làm trụ cột tinh thần cho một xã hội hiện đại vốn luôn có xu hướng lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Trong mối tương quan thế hệ này, đôi khi người đi trước tưởng mình đã hoàn thành cái nhiệm vụ làm sợi dây neo ấy, và chỉ một chút lơ là đã khiến họ phải cực nhọc suốt phần đời còn lại; còn thế hệ sau trong lúc hăm hở tìm kiếm và chiếm đoạt những lợi ích cụ thể trước mắt, lại quên rằng họ có thể đang phá vỡ, huỷ hoại truyền thống đạo lý – chỗ đứng tinh thần của chính mình trong thế hệ cận kề. Nhưng cũng chính truyền thống đạo lý cũng sẽ là cứu cánh, làm bừng dậy ý thức trách nhiệm xã hội và gia đình có lúc tưởng đã ngủ quên, và điều chỉnh cho mỗi cá thể đi tới tương lai trên con đường được soi rọi bởi tình yêu và sự tri ân thế hệ đi trước.